Quản lý, sử dụng chặt các bến, bãi tập kết VLXD cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, nếu chưa đủ các thủ tục, phải ngừng hoạt động.
Quyết định số 07/QĐ-UBND 03/01/2019 ra đời sẽ thay thế Quyết định số 936/QĐ-UBND ngày 29/5/2012 của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về việc Quy định về quản lý, sử dụng các bến, bãi tập kết VLXD cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, địa điểm xây dựng bến, bãi tập kết VLXD cát, sỏi phải phù hợp với địa điểm được quy hoạch xây dựng bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Chiều cao tập kết cát, sỏi tối đa 5m; xung quanh bến bãi phải xây dựng tường bao để đảm bảo cát, sỏi và nước thải không được tràn ra ngoài phạm vi bến bãi.
Diện tích khu vực sử dụng làm bãi tập kết khoảng 300m2. Nhà điều hành thuộc nhà tạm dạng bán kiên cố, 1 tầng, mái tôn hoặc ngói; chiều cao công trình khoảng 6m; diện tích 50m2. Tường rào đối với những bãi vị trí gần khu dân cư và đường giao thông, phải cách khu dân cư và đường giao thông khoảng 20m; tiếp tục áp dụng chiều cao tường rào theo quy định tường xây cao từ 1,5m - 2,5m.
Đối với những bãi xa khu dân cư và đường giao thông, cách khu dân cư và đường giao thông 20m, chiều cao tường rào 0,5m – 1m. Cổng phù hợp với cảnh quan, môi trường xung quanh; có biển ghi rõ tên cửa hàng, tên doanh nghiệp hoặc tên hộ. Kết cấu công trình do nhà đầu tư tự quyết định và phải đảm bảo an toàn trong thời gian khai thác, sử dụng và các công trình lân cận.
Công trình được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, thời gian tồn tại công trình ghi trong giấy phép, không quá 5 năm. Khi hết thời hạn của giấy phép nếu không được tiếp tục gia hạn thì chủ bến bãi tự tháo dỡ công trình, vật kiến trúc đã xây dựng để bàn giao mặt bằng lại cho Nhà nước và không được bồi thường, hỗ trợ; trường hợp do yêu cầu thu hồi đất đột xuất khi giấy phép còn thời gian hoạt động do điều chỉnh quy hoạch, thì chủ bến, bãi sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Khu vực bến bãi phải đảm bảo thực hiện đúng Kế hoạch bảo vệ môi trường nêu trong Giấy xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường được UBND cấp huyện xác nhận. Phương tiện, thiết bị để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ theo quy định; Đảm bảo điều kiện lưu thông, an toàn cho du khách, kết cấu hạ tầng giao thông khu vực.
Thống nhất phương án quản lý hoạt động các phương tiện trên sông Hương đoạn từ cầu Dã Viên đến cuối Cồn Hến như sau: Cấm các phương tiện vận chuyển vật liệu cát, sỏi có công suất lớn hơn 24CV và xà lan đậu, đỗ, lưu thông; Các phương tiện vận chuyển vật liệu cát, sỏi có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 24CV được phép lưu thông trong thời gian từ 6h - 17h, cấm lưu thông vào ban đêm từ 17h - 6h sáng hôm sau. Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu vận chuyển, lưu thông vào ban đêm phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
Những bãi tập kết cát, sỏi trên tuyến sông Hương yêu cầu tập kết bằng ống đẩy, khoảng cách từ tường rào của bãi tập kết cát, sỏi đến mép bờ sông đảm bảo hành lang bảo vệ nguồn nước và không ảnh hưởng đến cảnh quan.
Các bến, bãi tập kết VLXD chỉ được đưa vào hoạt động, khi đảm bảo đủ các điều kiện sau: Có giấy đăng ký phù hợp ngành nghề; có Giấy xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường được UBND cấp huyện xác nhận (bao gồm quy chế hoạt động bến, bãi); Đã hoàn thành việc xây dựng công trình bến, bãi theo giấy phép xây dựng có thời hạn được cấp và Giấy phép xây dựng đang còn thời gian hiệu lực; Có giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa của cấp có thẩm quyền; Giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất cho mục đích làm bến bãi tập kết VLXD cát, sỏi; Đảm bảo điều kiện về an toàn phòng, chống cháy nổ theo quy định; có nội quy hoạt động bến bãi.
Theo Trí Đức/Báo Xây dựng