Tìm kiếm tin tức

Hội thảo “Định hướng chính sách quản lý và thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam”
Ngày cập nhật 03/01/2019

Ngày 27/12/2018, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Định hướng chính sách quản lý và thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam” do Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường Bộ Xây dựng tổ chức, với sự tham gia của đông đảo chuyên gia trong lĩnh vực công trình xanh trong nước và quốc tế.


Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo được tổ chức với mục đích tham vấn ý kiến các chuyên gia nhằm xây dựng định hướng chính sách và thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam, đảm bảo phù hợp với điều kiện khoa học công nghệ thực tế của đất nước và hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Khánh Trung - Chủ tịch CLB Kiến trúc xanh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tại Việt Nam hiện nay áp dụng phổ biến 6 hệ thống đánh giá công trình xanh, gồm: LEED (Mỹ); GREEN MARK Singapore); LOTUS  (Hội đồng công trình xanh Việt Nam); VACEE (Hội Môi trường xây dựngViệt Nam); Hệ thống tiêu chí công trình xanh của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Edge của Tổ chức Tài chính Ngân hàng Thế giới (IFC).

Trong 6 hệ thống đánh giá công trình xanh nói trên, ngoại trừ Edge chỉ có 3 tiêu chí (năng lượng, nước và vật liệu), 5 hệ thống đánh giá CTX còn lại đều đề cập đến cả 5 tiêu chí cơ bản là: Nội thất, vật liệu, địa điểm, sử dụng nước và năng lượng.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thúy Loan - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia cho biết, trên thế giới hiện nay phổ biến 2 phong trào công trình xanh, đó là: Phong trào công trình xanh do các tổ chức phi chính phủ (NGO) khởi xướng và điều hành hệ thống đánh giá, như ở Mỹ, Úc, các nước châu Âu (nhận được sự ủng hộ của Chính phủ các nước) và phong trào công trình xanh do Chính phủ khởi xướng và điều hành hệ thống đánh giá chính thức, có sự tham gia của các tổ chức NGO, như: Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore…

Nghiên cứu kinh nghiệm thực tế của Đài Loan trong phát triển công trình xanh, PGS.TS. Nguyễn Thúy Loan đánh giá, Đài Loan là một điển hình về phát triển công trình xanh của châu Á. Từ năm 2005, Đài Loan đã đưa nội dung công trình xanh vào một chương trong quy chuẩn xây dựng (QCXD) của  Đài Loan, là ngưỡng thấp nhất của chính sách công trình xanh và bắt buộc phải áp dụng cho mọi công trình xây dựng.

Đến năm 2017, QCXD này được chỉnh sửa theo hướng nâng cao hơn yêu cầu “xanh” trong công trình xây dựng.

Nhờ những chính sách thúc đẩy phát triển công trình xanh, đến tháng 7/2018, Đài Loan đã có 7.257 công trình xanh, giúp tiết kiệm 1.761 tỷ kWh điện, 8.347 triệu tấn nước mỗi năm, tiết kiệm tổng chi phí điện nước khoảng 6.997 tỷ Tân Đài tệ/năm.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thúy Loan, Việt Nam hiện nay cần thống nhất định nghĩa về công trình xanh và chọn một hệ thống đánh giá chính thức công trình xanh làm cơ sở để xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển công trình xanh toàn quốc và áp dụng bắt buộc công trình xanh đối với các công trình vốn ngân sách nhà nước, đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng liên quan và triển khai thí điểm công trình xanh, đồng thời khuyến khích phát triển công trình xanh từ nguồn vốn tư nhân, phát triển nguồn nhân lực và thực hiện chiếc lược truyền thông về công trình xanh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận sôi nổi, đánh giá cụ thể các ưu điểm, hạn chế của các hệ thống tiêu chí công trình đang áp dụng tại Việt Nam, đồng thời thống nhất quan điểm, Việt Nam cần sớm lựa chọn một hệ thống tiêu chí công trình xanh và kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ triển khai Đề án về công trình xanh. Bày tỏ quan điểm của mình, chuyên gia Yannick Millet - Cố vấn kỹ thuật cao cấp quốc tế của Dự án EECB mong muốn Việt Nam có riêng một hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh.

Kết luận Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học KHCN và môi trường Bộ Xây dựng Nguyễn Công Thịnh cảm ơn các chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng giúp Bộ Xây dựng định hướng chính sách quản lý và thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Về việc lựa chọn  hệ thống tiêu chí công trình xanh cho Việt Nam, ông Nguyễn Công Thịnh cho rằng cần phải thành lập tổ chuyên gia gồm thành viên của các tổ chức có liên quan, cùng thảo luận, thống nhất lựa chọn hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh phù hợp với Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ xem xét đề xuất Chính phủ triển khai Đề án công trình xanh nhằm đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo phát triển bền vững đất nước.


Theo Trần Đình Hà/Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.266.453
Truy cập hiện tại 733 khách