Liên kết

 

Thừa Thiên - Huế: Đi đầu về quy hoạch cấp nước ở cả đô thị và nông thôn
Ngày cập nhật 22/01/2020

(Xây dựng) - Năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt Quy hoạch cấp nước trên toàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 không phân biệt đô thị, hay nông thôn. Đến nay, hệ thống cấp nước cho đô thị đạt gần 100% dân số, riêng nông thôn đạt trên 73%, chỉ còn lại một số vùng khó khăn ở huyện miền núi A Lưới, Nam Đông. Dự kiến đến năm 2020 sẽ cấp nước an toàn và bền vững cho trên 93 % dân số trên toàn tỉnh.


Lãnh đạo HueWaco kiểm tra công trình thi công nước sạch vượt phá Tam Giang

Quy hoạch cấp nước trên địa bàn toàn tỉnh đến 2020, tầm nhìn 2030, phạm vi nghiên cứu bao gồm toàn bộ địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh có diện tích 5.033,2km2, bao gồm thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các huyện Nam Đông, A Lưới, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Phạm vi lập quy hoạch từ các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế và khu vực nông thôn có thể kết hợp với cấp nước đô thị thuộc địa bàn tỉnh.

Quy hoạch cấp nước không phân biệt đô thị hay nông thôn

Bàn về chuyện về Quy hoạch cấp nước trên địa bàn toàn tỉnh đến 2020, tầm nhìn 2030, ông Dương Quý Dương – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWACO) cho biết: Khi các công ty cấp nước đã cổ phần hóa họ rất tính toán đầu tư giữa đô thị và nông thôn. Riêng HueWACO thì không bao giờ, với quan điểm của Hội đồng quản trị xem người dân đô thị và nông thôn đều như nhau và có hưởng thụ giống nhau, chứ không thể người dân đô thị được uống nước sạch, trong khi người dân nông thôn phải uống nước giếng, nước sông ô nhiễm... Từ những suy nghỉ đó, Hồi đồng quản trị HueWACO đã phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh lập "Quy hoạch cấp nước trên toàn tỉnh" không phân biệt đô thị, hay nông thôn.

Năm 2008, Công ty HueWACO được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) viện trợ không hoàn lại 1,35 triệu USD để Công ty Seureca (Cộng hòa Pháp) lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cấp nước toàn tỉnh, với tổng mức đầu tư hơn 104 triệu USD, vốn vay ADB hơn 81,5 triệu USD; trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư là 44,1 triệu USD, vay vốn ADB là 35,16 triệu USD để thi công 420km đường ống truyền tải và phân phối từ DN50- DN1200.

Dự án cấp nước tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2011 – 2015, có tính đến 2020 vay vốn ưu đãi ADB gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 tập trung vào việc phát triển mạng lưới, ưu tiên cấp nước về nông thôn, với những khu vực khan hiếm nguồn nước, nguồn nước bị ô nhiễm... Giai đoạn 2, xây dựng các Nhà máy nước Vạn Niên 120.000m3/ngày đêm, Hương Vân 30.000m3/ngày đêm, Lộc Bổn 30.000m3/ngày đêm, Bình Điền 2.000 m3/ngày đêm, các trạm Trung chuyển điều áp Hương Toàn, Châu Sơn, Phú An, Vinh Hưng... và 140km ống truyền tải, phân phối khác.


Thi công tuyến DN1200 gang dẻo đường Lê Ngô Cát thuộc dự án ADB triển khai năm 2018.

Ông Dương Quý Dương cho biết: Trong giai đoạn 2011 – 2015, do vốn vay ADB giải ngân chậm, việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu dùng nước tăng nhanh, nhiều tuyến ống cần thực hiện đồng bộ với các dự án chỉnh trang đô thị của thành phố Huế, HueWACO đã linh hoạt sử dụng toàn bộ vốn khấu hao cơ bản, tranh thủ vốn ngân sách, ứng trước 50 tỷ đồng tiền nước của khách hàng có dự án lớn và vay thương mại hơn 182 tỷ đồng bằng phương thức đấu thầu cạnh tranh lãi suất giảm từ 13% xuống 9,5% (tiết kiệm 16,7 tỷ đồng) để thực hiện các công trình tuyến ống DN400, tuyến DN500 để cấp nước cho một số dự án trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mới các nhà máy nước Lộc An lên 8.000m3/ngày đêm, Lộc Trì 2.000m3/ngày đêm và Phong Thu 8.000m3/ngày đêm; nối mạng 17 xã mới và mở rộng 8 xã cấp nước sạch cho 120.000 dân, nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch toàn tỉnh từ 61,6% (năm 2011) lên 83% vào cuối năm 2017.

Do thay đổi chính sách, tháng 5/2015, ADB thông báo không tài trợ vốn vay cho Giai đoạn 2, HueWACO đã tiến hành đàm phán với Cơ quan phát triển Pháp (AFD) để vay gần 55 triệu USD để thực hiện điai đoạn 2 của dự án.

Tháng 12/2016, HueWACO cổ phần hóa thành công và đã quyết định điều chỉnh kế hoạch thực hiện dự án: Sử dụng từ nguồn vốn phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) 260 tỷ và vốn khấu hao cơ bản thay cho vốn vay của AFD, đồng thời thực hiện phân kỳ đầu tư theo nhu cầu sử dụng nước và năng lực tài chính. Trước mắt, ưu tiên đầu tư xây dựng nhà máy nước Vạn Niên theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, từ 2019-2020, thực hiện tất cả các hạng mục xây dựng cho Nhà máy công suất 120.000m3/ngày đêm, riêng phần lắp đặt công nghệ, thiết bị xử lý đạt 60.000m3/ ngày đêm. Nhà máy được đầu tư với công nghệ hiện đại, tiên tiến, nước sản xuất đạt tiêu chuẩn châu Âu, Nhật Bản, bể chứa 100.000m3 (gấp 5 lần Nhà máy Quảng Tế 1 và Quảng Tế 2). Giai đoạn 2, từ 2023-2025, đầu tư các hạng mục còn lại, đảm bảo công suất 120.000m3/ngày đêm, tiết kiệm hơn 800 tỷ đồng so với phương án vay vốn nước ngoài. Ngưng khai thác Nhà máy Quảng Tế 1, hơn 110 năm tuổi và các nhà máy ở hạ lưu như: Dã Viên, Quảng An, Hòa Bình Chương, Hương Phong, Điền Môn, Mai Gia Phường, Tân Bình, Hải Bình, Hương Sơn, Phú Vinh, Sơn Thủy, Vinh Hiền… Xây dựng các nhà máy mới sử dụng nguồn nước ở thượng lưu, đồng thời, xây dựng mới các trạm Trung chuyển điều áp trên toàn hệ thống, góp phần phát huy hiệu quả >700km đường ống thuộc dự án ADB, đảm bảo an ninh, bền vững cho hệ thống cấp nước.

Nước sạch, an toàn về nông thôn

Sau hơn 10 năm chuẩn bị kỹ lưỡng, năm 2018, HueWACO đã triển khai thi công dự án ADB không phân biệt nông thôn, vùng chưa cổ phần hóa. Trong đó, 364 tỷ đầu tư về khu vực nông thôn chiếm 48% giá trị dự án, 130 tỷ đồng (30%) đầu tư cho khu vực khó khăn, các xã bãi ngang ven biển, đầm phá và miền núi. Đến nay, HueWACO đã cấp nước an toàn trên toàn tỉnh đã 10 năm, với 260.000 đấu nối trên 1 triệu dân, đạt gần 89% dân số toàn tỉnh, giúp các hộ nghèo khó khăn, dân tộc thiểu số được tiếp cận nước sạch.


Xe cẩu đưa tuyến ống DN500 với tổng trọng lượng 7.5 tấn băng hộ thành hào, Cửa Thượng Tứ.

Theo quy hoạch, toàn tỉnh có 8 vùng cấp nước, nhưng khi thực hiện dự án, ADB chỉ cho vay đầu tư 5 vùng, 3 vùng còn lại là Nam Đông, A Lưới, Chân Mây do hiệu quả kinh tế thấp nên không được vay vốn ADB. Trước khó khăn trên, HueWACO đề xuất UBND tỉnh đưa các dự án cấp nước của 3 vùng này vào chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017- 2020, sử dụng nguồn khấu hao tài sản nhận nợ, thuê tài sản và nguồn cổ tức vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần mà đã nộp ngân sách. Do đó, việc bố trí vốn chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cấp nước cho khoảng gần 100.000 dân thuộc các vùng đặc biệt khó khăn chưa tiếp cận được nước sạch, nhất là đồng bào 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới.

Ông Dương Quý Dương nhấn mạnh: Bằng ý thức trách nhiệm cộng đồng, trong những năm qua HueWACO không ngừng nỗ lực mang “nguồn nước nhân văn” băng đầm, vượt phá, đến các xã bãi ngang ven biển và miền núi. Nhờ vậy, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, giảm tỷ lệ các bệnh tật liên quan đến nguồn nước. Ngoài ra, để đảm bảo 100% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch, HueWACO cũng gặp không ít khó khăn và cần được tháo gỡ. Bởi lẽ, suất đầu tư nông thôn cao gấp 3 lần, giá thành cao gấp 2 lần so với đô thị; vùng núi có nơi cao gấp 20 lần. Diện tích bao phủ của tỉnh rộng trên 5.000km2, với 4.650km đường ống gấp 2,5 lần so với các thành phố có cùng dân số....

Nhằm đảm bảo mục tiêu cấp nước sạch cho trên 90% dân số vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV, tháng 11/2015, HueWACO đã nghiên cứu điều chỉnh dự án, nâng tổng chiều dài tuyến ống truyền tải, phân phối giai đoạn 1, từ 420km lên 700km, hoàn thiện mạng lưới, mở rộng cấp nước cho 31 phường, xã, trong đó 10 xã mới. Trong đó, 364 tỷ đầu tư về khu vực nông thôn chiếm 48% giá trị của dự án, 130 tỷ đồng (30%) đầu tư cho khu vực khó khăn, các xã bãi ngang ven biển, đầm phá và miền núi. Hiện nay, Dự án đã đưa vào sử dụng 160 tuyến tương đương 700 km, đạt 100%; Áp lực nước trên toàn mạng tăng thêm từ 1,8 đến 2,4 bar, giúp cho trên 225.000 đấu nối.

Ngoài ra, với sáng kiến “Nâng cấp phục hồi ống gang thép cũ” để giải quyết “nguyên nhân đóng cặn trong hệ thống cấp nước và biện pháp khắc phục” cùng giải pháp thông rửa bằng mút đặc chủng hàng ngàn km đường ống trong giai đoạn từ năm 2006-2009, đã loại bỏ hàng trăm tấn cặn lưu cữu hàng chục năm trên đường ống do bám cặn sắt và mangan. Từ năm 2000 đến nay, Công ty đã nâng cấp và thay thế trên 120km đường ống chính từ DN80 đến DN800 giúp công ty tiến nhanh đến mục tiêu Cấp nước uống an toàn trên toàn hệ thống.

Tháng 6/2008, HueWACO đã công bố cấp nước an toàn trên địa bàn thành phố Huế và các vùng phụ cận. Tháng 8/2009, HueWACO đơn vị đầu tiên ở Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu công bố cấp nước an toàn toàn tỉnh theo hướng dẫn của WHO và theo quy chế cấp nước an toàn của Bộ Xây dựng. Cùng thời điểm HueWACO được Bộ Xây dựng, Hội Cấp thoát nước Việt Nam tặng Bằng khen về cấp nước an toàn; các tổ chức JICA, WHO mời chia sẻ kinh nghiệm tại các diễn đàn, hội nghị quốc tế ở khu vực châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philippins, Lào và các nước Anh, Pháp, Hà Lan… Từ 2009 đến nay, HueWACO vẫn duy trì bền vững cấp nước an toàn trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Trí Đức/Báo Xây dựng

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.099.855
Truy cập hiện tại 56 khách
Giải pháp: FITC   -   Thiết kế và kỹ thuật: Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông