Tìm kiếm tin tức

Sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng trong công trình giao thông
Ngày cập nhật 25/06/2013
Ngày 30 tháng 5 năm 2013,Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 12/2013/TT-BGTVT “Quy định về sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng trong đầu tư xây dựng công trình giao thông”.

Trong những năm gần đây, sản lượng xi măng nước ta sản xuất không những đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng trong nước và còn dùng để xuất khẩu. Xi măng là nguyên liệu chính trong tất cả các kết cấu công trình xây dựng. Việc sử dụng bê tông xi măng để làm kết cấu áo đường giao thông ngày càng phổ biến ở nước ta, nhất là giao thông nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới đang phát triển rầm rộ trên phạm vi cả nước.

Để sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng đạt hiệu quả, ngày 30/5/2013 Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư quy định về sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng trong xây dựng công trình giao thông.

Phạm vi điều chỉnh của Thông tư này không phân biệt nguồn vốn đầu tư. Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan tới các hoạt động đầu tư xây dựng công trình giao thông có sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng.

Theo Thông tư, việc nghiên cứu, sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng trong xây dựng công trình giao thông được thực hiện trong tất cả các bước lập dự án đầu tư, thực hiện dự án đầu tư và khai thác, bảo trì công trình.

Việc sử dụng kết cấu mặt đuờng bê tông xi măng trong các dự án xây dựng công trình giao thông khi phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn, cung ứng vật liệu, điều kiện thi công sửa chữa, bảo trì và khả năng nâng cấp, mở rộng sau này.

Kết cấu mặt đường bê tông xi măng phải là giải pháp kỹ thuật chủ yếu để áp dụng cho các công trình xây dựng giao thông nếu đáp ứng những điều kiện trên và có một trong các đặc điểm sau: Mặt đường tại các khu vực trạm thu phí; bến xe; bãi đỗ xe; đường ô tô chuyên dụng, đường vào cảng; mặt đường hầm; mặt đường đập tràn; tuyển đường bộ tại vùng chịu ảnh hưởng của ngập lụt nhưng nền đường không nằm trên vùng đất yếu; tuyến đường bộ chịu ảnh hưởng của khí hậu sương mù, ẩm ướt thường xuyên; tuyến đường bộ tại khu vực miền núi có độ dốc lớn từ 7% trở lên, khó khăn đối với công tác duy tu, bảo dưỡng nếu sử dụng các dạng kết cấu mặt đường khác; tuyến đường bộ đào qua nền đất, đá chịu ảnh hưởng của nước ngầm; tuyến đường giao thông nông thôn; các công trình giao thông khác khi sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng bảo đảm hiệu quả kinh tế - kỹ thuật và tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng hơn các loại kết cấu mặt đường khác.

Trường hợp công trình giao thông có đủ điều kiện, phạm vi áp dụng nêu trên mà không sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng thì chủ đầu tư phải báo cáo cấp quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

Khi sử dụng kết cấu mặt đường bê tông xi măng cần áp dụng các tiêu chuẩn sau đây:

      a) Tiêu chuẩn thiết kế mặt đường bê tông xi măng : Áp dụng Quyết định số 3230/QĐ-BGTVT ngày 14/12/2012 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quy định tạm thời về thiết kế mặt đường bê tông xi măng thông thường có khe nối trong xây dựng công trình giao thông.

      b) Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông ximăng: Áp dụng Quyết định số 1951/QĐ-BGTVT ngày 17/8/2012 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quy định tạm thời về kỹ thuật thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông xi măng trong xây dựng công trình giao thông.

      c) Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu lớp móng cấp phối đá dăm và cấp phối thiên nhiên gia cố xi măng: Áp dụng tiêu chuẩn TCVN 8858:2011 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố năm 2011.

   - Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2013.

Trần Viết Bảo (Trang thông tin điện tử Sở Xây dựng Bình Định)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.099.855
Truy cập hiện tại 71 khách