Tìm kiếm tin tức

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Ngày cập nhật 15/11/2021

Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến phát triển đô thị thông minh và cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trung tâm điều hành UBND tỉnh, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh vận hành có hiệu quả; cơ sở hạ tầng thông tin bước đầu được đầu tư hiện đại; nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai; việc gửi, nhận văn bản điện tử được liên thông cả 4 cấp hành chính; trên 75% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã, đã phát huy hiệu quả thiết thực; hoạt động Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh đã khẳng định tính hiệu quả, công khai, minh bạch thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Tỉnh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính và chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Đội ngũ cán bộ, chuyên viên trong các cơ quan hành chính không ngừng nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin để thực thi công việc, cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, tập huấn kiến thức bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đảm trách tốt việc vận hành hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh có bước phát triển, số lượng doanh nghiệp đăng ký thuộc lĩnh vực này tăng dần qua từng năm, lực lượng lao động trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin được đào tạo bài bản, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến nhận thức về chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chưa được triển khai sâu rộng; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa có sự chuyển biến, chưa hiểu, chưa thấy được hiệu quả của công cuộc chuyển đổi số trong hoạt động điều hành; người dân và doanh nghiệp chưa có nhu cầu và chưa thấy được lợi ích khi tham gia chuyển đổi số.

Hạ tầng phát triển công nghệ thông tin chưa đáp ứng để trở thành nền tảng phục vụ công cuộc chuyển đổi số; các giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin còn hạn chế. Hệ thống an toàn, an ninh mạng (SOC) chỉ đảm bảo phục vụ cho một số cơ sở dữ liệu và các dịch vụ của chính quyền điện tử, đô thị thông minh; chưa đủ khả năng để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho toàn bộ hệ thống trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp cơ sở dữ liệu.

Hoạt động kinh tế số mới tập trung vào các hoạt động thanh toán thông qua các tổ chức tài chính, ngân hàng. Các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất... chưa định hình rõ việc vận hành trên nền tảng kinh tế số. Công tác quản lý các hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử chưa được đồng bộ.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể tham gia vào việc xây dựng hạ tầng số, dịch vụ số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao còn ít; doanh thu và đóng góp của kinh tế số vào tổng sản phẩm trên địa bàn không đáng kể. Công tác đào tạo kỹ năng số cho người sử dụng, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin các cấp để xây dựng chính quyền số chưa được quan tâm đúng mức.

1. Mục tiêu tổng quát

Đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xây dựng xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; kết nối, cung cấp dịch vụ, giải quyết mối quan hệ và thay đổi phương thức sống, làm việc của người dân; góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền, thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức. Là công cụ đột phá để các ngành, các lĩnh vực phát triển nhanh và bền vững, tiến nhanh đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025

2.1.1. Phát triển chính quyền số

Xây dựng chính quyền số để tạo môi trường chính quyền thân thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, với các mục tiêu cụ thể sau:

- 100% các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh kết nối hạ tầng mạng băng thông rộng trên mạng chuyên dùng của Đảng và Chính phủ để đáp ứng triển khai các dịch vụ số, đảm bảo an toàn thông tin.

- 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền.

- Phấn đấu các hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần đạt 80%.

- Cơ quan hành chính nhà nước các cấp, các đơn vị cung cấp dịch vụ công thực hiện triển khai công tác số hóa phục vụ chuyển đổi mô hình công sở số; phấn đấu đạt 100% tiêu chí về hoàn thiện chính quyền số.

- Các trung tâm hành chính công, bộ phận một cửa các cấp nâng cao chất lượng trong dịch vụ phục vụ hành chính công, phân đấu chỉ số người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính đạt 90%.

- Các cơ quan chuyên ngành: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Du lịch… xây dựng dữ liệu số đạt 70 - 80% yêu cầu của ngành và đồng bộ thống nhất để tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

- Hình thành Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cơ quan Đảng và Nhà nước được triển khai hệ thống báo cáo số từ cấp tỉnh đến cấp xã.

- Tiếp tục giữ vững vị trí nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT), Chỉ số chuyển đổi số (DTI).

- Bảo đảm mức đầu tư cho chuyển đổi số đạt 1% tổng chi ngân sách địa phương.

- Phấn đấu xây dựng đồng bộ các hạ tầng phục vụ chuyển đổi số để hoàn thành mục tiêu “4 không, 1 có”: làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không tiền mặt, dữ liệu có số hóa.

2.1.2. Phát triển kinh tế số

Hoạt động của các lĩnh vực, ngành, nghề được chuyển đổi phương thức từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí, tăng năng suất lao động, thu hẹp khoảng cách phát triển, với các mục tiêu sau:

- Phấn đấu 90% doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng. Kinh tế số được hiện diện trên tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng...).

- Phấn đấu có 300 doanh nghiệp số thuộc 4 loại hình: doanh nghiệp công nghệ cốt lõi, doanh nghiệp sản phẩm công nghệ số, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số.

- Xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung của tỉnh là nơi tạo ra giá trị của xã hội từ kinh tế tri thức và cung cấp nguồn lực cho xã hội.

- Nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế số từ 15% đến 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn tỉnh.

. 2.1.3. Phát triển xã hội số

Phát triển xã hội số dựa trên nền tảng công nghệ, hình thành công dân số và văn hóa số với các mục tiêu sau:

- Hạ tầng công nghệ viễn thông được phủ đến 100% các địa bàn khó khăn, phục vụ kết nối đến các hộ gia đình trên toàn tỉnh, rút ngắn khoảng cách và chênh lệch phát triển giữa thành thị - nông thôn. Các dịch vụ thiết yếu phục vụ cho người dân được cung cấp bởi chính quyền số; các tổ chức, doanh nghiệp và người dân có ứng dụng giao tiếp trên môi trường mạng.

- 50% người dùng thiết bị di động thông minh được tiếp cận với các dịch vụ chính quyền điện tử, các dịch vụ thông minh và giao tiếp trên môi trường mạng.

- Xây dựng Hue-S thành nền tảng phổ biến trong kết nối hệ sinh thái xã hội số tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Hình thành bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong giao tiếp trên môi trường mạng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân hoạt động có văn hóa trong xã hội số, hình thành văn hóa số.

2.2. Mục tiêu đến năm 2030

- Xây dựng đô thị thông minh trở thành mô hình phổ biến trong điều hành, vận hành hệ thống quản lý nhà nước và xã hội trên địa bàn tỉnh; chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực trở thành phương thức cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Chuyển đổi số trở thành nền tảng để phát huy đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường của Thừa Thiên Huế; đưa ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng để phát triển bền vững Thừa Thiên Huế trong giai đoạn mới.

- Phát triển các doanh nghiệp có nguồn lực về công nghệ số trên địa bàn tỉnh nhằm tạo môi trường cho sự phát triển của kinh tế số, từng bước tạo thị trường sản phẩm khoa học - công nghệ và là trung tâm chuyển giao khoa học - công nghệ của quốc gia.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

2. Đảng đoàn HĐND, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế, các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết tới cán bộ, đảng viên.

3. Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

4. Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo xây dựng và triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch để thực hiện việc chuyển đổi số; xác định lộ trình, cân đối, phân kỳ nguồn lực đầu tư hợp lý để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Nghị quyết đề ra.

5. Các cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện chuyển đổi số phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các trung tâm hành chính công huyện, xã theo hướng chuẩn hóa.

Người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc tầm quan trọng, lợi ích, cơ hội do chuyển đổi số mang lại và chịu trách nhiệm chủ trì, lãnh đạo thực hiện chuyển đổi số tại địa phương, đơn vị.

6. Văn phòng Tỉnh ủy, các ban, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giúp Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy./.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.099.855
Truy cập hiện tại 146 khách