Tìm kiếm tin tức

Thừa Thiên - Huế: Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã
Ngày cập nhật 15/10/2018

(Xây dựng) – Ngày 13/10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị góp ý Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã. Quy hoạch nhằm lập và thực hiện không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường Vườn Quốc gia Bạch Mã, hài hoàn giữa khai thác phát triển du lịch gắn với bảo tồn.


Hệ thống biệt thự kiểu Pháp ở Khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã

Thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã, thuộc Vườn quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), với tỷ lệ 1/2000. Diện tích quy hoạch khoảng 387,8 ha được phân thành hai khu. Trong đó, khu A với Trạm cơ sở và Hạ tầng giao thông có diện tích khoảng 97,8 ha, gồm: Tuyến giao thông tiếp cận đến dự án, có điểm đầu tuyến từ ngã ba giao cắt Quốc lộ 1 đến điểm cuối tuyến là Trạm cơ sở khu vực Khe Su; Tuyến đường có chiều dài dự kiến 5 km, với mặt cắt lộ giới từ 24m - 27,5m; Phạm vi diện tích nghiên cứu khoảng 23,3 ha. Trạm cơ sở khu vực Khe Su với diện tích nghiên cứu khoảng 64,1 ha, là nơi đón tiếp khách du lịch và nơi đặt nhà ga cáp treo, bao gồm các phân khu chức năng chính: Khu dịch vụ đón tiếp, khu căn hộ dịch vụ, khu đất xây dựng đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, khu trang trại hữu cơ, khu cảnh quan tự nhiên. Tuyến cáp treo du lịch đi từ Trạm cơ sở (khu A) lên đỉnh Bạch Mã (khu B) có chiều dài dự kiến 4km với hành lang bảo vệ khoảng 26m; Phạm vi diện tích nghiên cứu khoảng 10,4 ha.

Khu B là Khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã có diện tích khoảng 290 ha, với các chức năng chính là đón tiếp, hội thảo, triển lãm, dịch vụ thương mại (lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, giải khát...) Các không gian hoạt động ngoài trời như: Phố đi bộ, tuyến thăm quan, tuyến hành hương, lễ hội, tín ngưỡng tâm linh, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên; nhà điều hành, nhà nhân viên... và trạm điện, trạm nước, khu tập kết rác thải. Phân khu chức năng khu B bao gồm: Khu làng du lịch đỉnh núi, khu làng du lịch di sản, khu làng trung tâm, khu du lịch tâm linh, khu dịch vụ phụ trợ, khu làng du lịch thung lũng thác nước, khu cảnh quan tự nhiên.

Đường đi bộ khu B: Chiều rộng 1,5m, giao thông cáp treo bằng công nghệ áp dụng là Công nghệ tuần hoàn đơn kẹp nhả tự động, bao gồm 2 tuyến: Tuyến 1, đi từ khu vực Trạm cơ sở (khu A) lên đỉnh Bạch Mã (khu B) có chiều dài khoảng 4 km với hành lang bảo vệ khoảng 26m; Chênh lệch về cao độ là 1.338m; Loại cabin 10 chỗ, số lượng 83 Cabin; Số lượng cột: 24 cột; Khoảng cách giữa các cột khu vực giữa tuyến đoạn ngắn nhất 160m, đoạn dài nhất 436m tùy thuộc vào địa hình khu vực.

Tuyến 2: Đi từ ga đỉnh Bạch Mã, cao 1.395m đến ga cuối ở khu vực Ngũ Hồ cao 1.140m. Quy mô chiều dài 1,55 km, hành lang bảo vệ khoảng 26m; Chênh lệch về cao độ 250m; Loại cabin 10 chỗ, số lượng 33 Cabin; Số lượng cột: 10 cột; Khoảng cách giữa các cột khu vực giữa tuyến đoạn ngắn nhất 136m, đoạn dài nhất 303m tùy thuộc vào địa hình khu vực.

Bố trí 1 bãi đỗ xe tập trung cho khu A, quy mô khoảng 1,59 ha. Bố trí 2 bãi đỗ xe tại điểm đầu và điểm cuối của tuyến đường xe điện phục vụ phát triển du lịch khu B, tuyến có lộ giới 6,0m – 7,0m, quy mô khoản 0,2 ha. Các điểm tránh xe, quay đầu xe được bố trí dọc các tuyến giao thông, tại những vị trí phù hợp, đảm bảo kinh tế kỹ thuật.

Kiến trúc cảnh quan Khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã (khu B) gắn liền với việc khai thác các yếu tố đặc trưng về cảnh quan tự nhiên như: Ngũ Hồ, thác Đỗ Quyên, hệ thống rừng nguyên sinh... Lịch sử văn hóa như: địa đạo Bạch Mã, Hải Vọng Đài, Bạch Vân Tự, hệ thống biệt thự kiểu Pháp... Các công trình kiến trúc tại khu vực này được xây dựng thấp tầng, quy mô nhỏ, phân tán thành từng cụm và hòa lẫn với cảnh quan thiên nhiên với các biệt thự nghỉ dưỡng, nhà nghỉ, lều cắm trại, chòi nghỉ trên cây và các công trình tín ngưỡng tâm linh như chùa, miếu, tượng Phật... Các công bị hủy hoại, xuống cấp được trùng tu theo phong cách kiến trúc Pháp sẽ được sử dụng, phục dựng lại theo nguyên tắc: Giữ nguyên hình dáng kiến trúc, màu sắc, vật liệu sử dụng cho công trình và phù hợp với cảnh quan thiên nhiên. Tổ chức các công trình kiến trúc mới theo phong cách kiến trúc truyền thống của địa phương, thân thiện với môi trường và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

Công trình điểm nhấn tại các điểm kết nối, giao thoa giữa các điểm cao tự nhiên, kiến trúc đặc trưng của khu vực như: Tháp ngắm cảnh dạng tổ chim trên đỉnh Bạch Mã; đường dạo bộ giữa các ngọn cây, hệ thống cầu treo trên cây; vườn Bách thảo; cầu tham quan trên đỉnh thác nước...

Vườn Quốc gia Bạch Mã là một trong số 7 khu vực bảo tồn tự nhiên lớn nhất và quan trọng nhất tại Việt Nam, nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, trong đó du lịch sinh thái đóng vai trò chủ đạo. Nằm ở vị trí giao thoa của hai vùng khí hậu khác biệt – Bắc và Nam của Việt Nam, với nhiệt độ trung bình 15 – 22°C, với lượng mưa 8.000 mm/năm (cao nhất Việt Nam), cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ và đặc biệt là tính đa dạng sinh học có được do địa hình và thổ nhưỡng phong phú cùng điều kiện khí hậu rất thích hợp cho sự phát triển của các loài động thực vật.

Tọa lạc trên vùng núi cao, khí hậu mát mẻ, có nhiều phong cảnh đẹp và hùng vĩ như đỉnh Bạch Mã cao 1.450 m, suối, thác và rừng nguyên sinh, Bạch Mã đã từng là khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng những năm 1930 – 1940 (thời Pháp) và 1960 – 1970 (thời Mỹ) và ngày nay, có sức hấp dẫn lớn đối với du khách, cả trong lẫn ngoài nước.

Năm 2008, diện tích Vườn Quốc gia Bạch Mã được mở rộng từ 22.030 ha, lên 37.487 ha. Diện tích vùng đệm là 58.676 ha. Trong diện tích 37.487 ha, có 5.188,2 ha được quy hoạch với chức năng dịch vụ hành chính (bao gồm khu du lịch Bạch Mã). Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt năm 2013, trong đó xác định Bạch Mã là 1 trong 10 vườn quốc gia – khu bảo tồn thiên nhiên trong khu vực cần phát triển loại hình du lịch sinh thái và là 1 trong 6 điểm du lịch quốc gia trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Ở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020 cũng đã được phê chuẩn cùng thời gian, theo đó Vườn Quốc gia Bạch Mã nằm trong cụm du lịch Cảnh Dương – Bạch Mã – Lăng Cô – Hải Vân, có sự kết nối với các địa danh du lịch nổi tiếng khác trong vùng như cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Khu Du lịch Bạch Mã được xác định thuộc danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến 2020, là một điểm đến quan trọng và có tác dụng làm đa dạng các tour du lịch của tỉnh.

Du lịch Bạch Mã những năm gần đây được được đầu tư nhiều hơn, thu hút khách du lịch đến với Bạch Mã ngày càng nhiều. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn ở quy mô nhỏ, chưa được quy hoạch một cách bài bản và còn bộc lộ khá nhiều hạn chế. Hạ tầng, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, hoạt động vừa ít lại vừa kém hấp dẫn, chất lượng dịch vụ không đạt tiêu chuẩn là những yếu tố “bất lợi”, khiến du khách nếu có đến với Bạch Mã thì cũng chỉ lưu trú trong một thời gian rất ngắn, không đem lại các giá trị gia tăng đáng kể cho du lịch nói riêng và kinh tế nói chung. Sự phát triển này thực sự chưa tương xứng với tiềm năng của Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã để có cơ sở quản lý bảo tồn, khai thác phát huy các giá trị của Vườn Quốc gia Bạch Mã, đồng thời tạo nên một cơ sở pháp lý rõ ràng nhằm thu hút các nhà đầu tư kinh doanh và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Việc lập Quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2000, Khu du lịch sinh thái Bạch Mã thuộc Vườn Quốc gia Bạch Mã, huyện Phú Lộc là hết sức cần thiết.

Theo Trí Đức/ Báo Xây dựng

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.099.855
Truy cập hiện tại 645 khách