Tìm kiếm tin tức

Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2065
Ngày cập nhật 04/04/2023

(Xây dựng) – Chiều 1/4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương gợi mở vấn đề thảo luận tại Hội thảo.

Tầm nhìn Quy hoạch chung đô thị Huế đến năm 2065

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành các bước phân loại đô thị và thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là đồ án quy hoạch mang tính chất bản lề, định hướng mô hình phát triển tổng thể về không gian đô thị, xác định khung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai và là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư hạ tầng khung, hướng đến xây dựng và phát triển đô thị một cách bền vững, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương giàu bản sắc văn hóa với đặc trưng văn hóa, di sản, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.


Ông Nguyễn Đại Viên - Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế báo cáo tại Hội thảo về mô hình đô thị thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh: Ngày 19/10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại Quyết định số 1261/QĐ-TTg, làm cơ sở để tỉnh tiến hành tổ chức lập, trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch.

Nhiệm vụ quy hoạch đã đặt ra đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao. Đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch này phù hợp với nội dung Nghị quyết 54-NQ/TW và một lần nữa khẳng định toàn bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ được quy hoạch và đầu tư xây dựng là 1 chỉnh thể đô thị, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với định hướng phát triển về lâu dài của tỉnh nhà; qua đó đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị và là kết quả phấn đấu thời gian dài của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Theo ông Nguyễn Văn Phương: Để hoàn thành công tác xây dựng đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đang chỉ đạo các ngành đồng loạt, khẩn trương triển khai các đề án thành phần để quyết tâm hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 54 đề ra. Trong đó, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế là một hợp phần hết sức quan trọng, đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành các bước về tổ chức lập quy hoạch, báo cáo phương án quy hoạch, tổ chức công bố lấy ý kiến cộng đồng tại Cổng thông tin điện tử tỉnh và trụ sở UBND các cấp kể từ ngày 10/3/2023, hoàn thành hội nghị lấy ý kiến các địa phương về phương án quy hoạch ngày 22/3/2023.

Do tính cấp bách về tiến độ triển khai là đề án tiền đề quan trọng làm cơ sở tiến hành các đề án khác đảm bảo hoàn thành đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trong đầu năm 2024, do đó, đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế phấn đấu hoàn thiện, trình thẩm định phê duyệt trong tháng 04/2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh: Hội thảo rất mong muốn nhận được nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến các địa phương lân cận, của các đồng chí lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, ý kiến chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức lập quy hoạch, để sau Hội thảo này, tỉnh Thừa Thiên - Huế có thể hoàn thiện đồ án quy hoạch đảm bảo tính khoa học, chất lượng, có tính đột phá và khả thi cao trong tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Phương nêu một số vấn đề, kính mong các đại biểu quan tâm cho ý kiến trong quá trình thảo luận, cụ thể như: Định vị, tầm nhìn phát triển cho đô thị Thừa Thiên - Huế trong tương lai; dự báo phát triển kinh tế - xã hội, quy mô dân số, mật độ dân số các khu vực đô thị và nông thôn; quy mô đất xây dựng đô thị và nông thôn; định hướng không gian, mô hình đô thị thành phố trực thuộc Trung ương và dự kiến phân loại đô thị Thừa Thiên - Huế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương; định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội toàn đô thị và khu vực đô thị trung tâm.


Toàn cảnh Hội thảo Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế.

Giám đốc Sở Nội vụ Bạch Chơn Đông và Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Đại Viên cũng đã báo cáo đến Hội thảo về mô hình đô thị thành phố trực thuộc Trung ương; dự kiến phân loại đô thị Thừa Thiên - Huế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Đô thị Huế cần phải khác biệt

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phản biện, tham luận của các chuyên gia tập trung vào các nội dung: Định vị, tầm nhìn phát triển cho đô thị Thừa Thiên - Huế trong tương lai; dự báo phát triển kinh tế - xã hội, quy mô dân số, mật độ dân số các khu vực đô thị và nông thôn; quy mô đất xây dựng đô thị và nông thôn; định hướng không gian, mô hình đô thị thành phố trực thuộc Trung ương và dự kiến phân loại đô thị Thừa Thiên - Huế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương; Định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội toàn đô thị và khu vực đô thị trung tâm...


Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trao đổi tại Hội thảo Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế.

Tham gia phản biện đồ án, ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Việc phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương nên lấy Kinh thành Huế làm trung tâm. Liên kết vùng, liên kết kinh tế biển cần tính toán rõ không gian, quy mô phát triển tại các khu vực nông thôn và thành thị. Cụ thể hóa tính kết nối vùng bằng các tuyến giao thông, nhất là vấn đề kết nối phía Bắc, Tây và Nam. Từ đó, định hướng liên kết với hệ thống giao thông quốc gia.

Ông Trần Ngọc Chính đề xuất: Hiện nay, đô thị về phía biển khá ít. Do vậy, tỉnh có thể xem xét các chính sách phát triển cho huyện Phú Vang. Địa phương này có thể định hướng trở thành thị xã, thậm chí trở thành quận trong tương lai. Đối với khu đô thị Chân Mây - Lăng Cô có thể phát triển du lịch, dịch vụ. Ngoài ra, sân bay cũng đóng vai trò quan trọng, do vậy nên nghiên cứu đô thị sân bay để trở thành hạt nhân ở quận Hương Thủy trong tương lai, để tạo nên lợi thế cho Huế.


PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam góp ý tại Hội thảo.

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Lập đồ án sẽ tạo ra cơ hội cho tỉnh định hình một đô thị đặc biệt. Dù vậy, để đồ án khả thi, hiệu quả, cần có những giải pháp cụ thể hơn để thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí đã đặt ra.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: Huế mang trong mình sứ mệnh lịch sử đặc biệt nên cần có sự gắn kết trong xu thế phát triển của quốc gia. Cụ thể hóa tầm nhìn sẽ tạo ra cách tiếp cận cấu trúc không gian tốt hơn. Từ đó, tạo ra một đô thị khác biệt, giàu tính cạnh tranh.

Ông Trần Đình Thiên cũng đề nghị tỉnh quan tâm đến việc đầu tư cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; phát triển các đô thị phía đầm phá và biển; đặt mục tiêu cao hơn trong các chỉ số phát triển, đặc biệt là thu nhập bình quân đầu người…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cám ơn các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến các địa phương lân cận... trong việc tổ chức lập quy hoạch để tỉnh Thừa Thiên - Huế có thể hoàn thiện đồ án quy hoạch đảm bảo tính khoa học, chất lượng, có tính đột phá và khả thi cao trong tổ chức thực hiện. Các ý kiến tại Hội thảo lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng để tỉnh Thừa Thiên - Huế hoàn thiện định hướng không gian phát triển đô thị, xây dựng các phương án quy hoạch phù hợp để phát triển đô thị theo đúng định hướng Nghị quyết 54 và các nội dung mà nhiệm vụ quy hoạch đã đặt ra.

Theo Trí Đức/Báo Xây dựng

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.099.855
Truy cập hiện tại 347 khách