Theo đó, nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cố đô Huế; xây dựng thành phố có cơ cấu tổ chức không gian quy hoạch hợp lý, kiến trúc đô thị hài hòa với thiên nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại đáp ứng vai trò, chức năng của đô thị có tính đặc thù về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa của quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.
Một góc thành phố Huế
Bên cạnh đó, xây dựng thành phố Huế và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị trở thành khu vực đô thị trung tâm của đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai; trở thành một trong sáu đô thị trung tâm quốc gia. Làm cơ sở pháp lý triển khai công tác đầu tư xây dựng đô thị đồng bộ; lập đề án nâng cấp, phân loại đô thị đưa toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Bộ Chính trị.
Quy hoạch thành phố Huế là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thừa Thiên Huế; trong giai đoạn xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là khu vực đô thị trung tâm của đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai, là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á; Là di sản văn hoá thế giới, thành phố Festival cấp quốc gia và mang tầm quốc tế; Là đầu mối giao lưu kinh tế trong vùng và trong trục hành lang thương mại quốc tế.
Phạm vi nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch gián tiếp gồm toàn bộ ranh giới tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích tự nhiên 5.033,205 km2. Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm thành phố Huế hiện hữu (70,99 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi của thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và một phần huyện Phú Vang (thị trấn Thuận An và các xã lân cận); diện tích khoảng 300 - 350 km2.
Theo Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch đã được duyệt, đến năm 2030, dân số thành phố Huế và các đô thị trong phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch chung khoảng 670.000 người, trong đó quy mô dân số thành phố Huế khoảng 410.000 người và quy mô dân số khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị khoảng 260.000 người. Đến năm 2050, dự báo dân số thành phố Huế và khu vực định hướng phát triển, mở rộng khoảng 1 triệu người.
Nhiệm vụ định hướng phát triển không gian đô thị là nghiên cứu và đề xuất mô hình phát triển không gian đô thị bảo đảm sự gắn kết đồng bộ và ổn định giữa các không gian¸ phù hợp với các chiến lược phát triển đô thị theo từng giai đoạn (2020, 2030). Phát triển không gian đô thị phải có sự chuyển tiếp hài hòa giữa các khu đô thị hiện hữu, các khu vực di tích và các khu đô thị mới.
Đề xuất các phương án phân khu chức năng như: khu vực bảo tồn, khu vực chỉnh trang đô thị, khu vực phát triển đô thị, khu vực phát triển công nghiệp, khu vực phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vùng bảo tồn môi trường thiên nhiên,… phát triển phải bảo đảm đô thị gắn kết với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa thế giới đã được công nhận.
Ngoài ra, cần xác định ngưỡng phát triển về quy mô dân số đối với khu vực thành phố Huế để giảm sức ép dân cư, nâng cao chất lượng và điều kiện sống, bảo tồn được không gian, kiến trúc, cảnh quan đặc thù của đô thị. Đề xuất các phương thức khoanh vùng và bảo vệ các di sản văn hóa. Đề xuất các giải pháp cho việc đẩy mạnh và tái tổ chức các khu vực di tích đặc biệt là khu vực Kinh Thành và các lăng tẩm các vua triều Nguyễn. Đề xuất phân vùng cơ sở du lịch và hướng tuyến liên kết các cơ sở du lịch nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế.
www.thuathienhue.gov.vn (nguồn: Quyết định số 597/QĐ-TTg)