Liên kết

 

Ngành Xây dựng năm 2017 – tăng trưởng cao
Ngày cập nhật 19/01/2018

(Xây dựng) - Với tinh thần quán triệt và bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chủ động thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch hành động của Ngành, kết quả đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu phát triển chủ yếu.

Hoàn thiện thể chế luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt

Để đạt được mức tăng trưởng trên, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện công cụ quản lý Nhà nước luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt với khối lượng công việc lớn. Cụ thể, Bộ đảm bảo tiến độ xây dựng 2 dự án Luật (Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Kiến trúc); chủ động rà soát, hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quy hoạch đô thị và đã được Chính phủ thông qua, đưa vào Đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh 2018. Bộ cũng đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã tới thăm khu đô thị (KĐT) Đặng Xá, một khu đô thị dành cho người thu nhập thấp (TNT) do TCty Viglacera – CTCP làm chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ trình và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 4 Nghị định, 3 Quyết định, 2 Chỉ thị; Bộ Ban hành theo thẩm quyền 13 Thông tư và tiếp tục hoàn thiện 5 văn bản, đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính có chuyển biến mạnh mẽ. Bộ đã rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính giảm, đơn giản hóa.

Bộ cũng hoàn thành, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng” và cơ bản hoành thành Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ” trình Thủ tướng Chính phủ.

Đổi mới quản lý đầu tư xây dựng

Trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, Bộ đã trình Chính phủ ban hành các chính sách mới về quản lý dự án đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, với nhiều nội dung đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền hợp lý trong quản lý các hoạt động xây dựng, nhất là đối với 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Trong đó phân định rõ trách nhiệm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư. Cắt giảm các quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp, thời gian thực hiện cấp phép xây dựng được đơn giản và rút ngắn.

Năm 2017 hoạt động xây dựng tăng trưởng cao.

Chất lượng công tác thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng của các chủ thể được nâng cao hơn, tiếp tục góp phần chống thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, kịp thời ngăn ngừa các rủi ro về chất lượng, đảm bảo an toàn công trình. Chất lượng các công trình xây dựng về cơ bản được đảm bảo, đặc biệt là chất lượng các công trình trọng điểm, có quy mô lớn được kiểm soát chặt chẽ. Công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng có chuyển biến tích cực. Ban hành Chỉ thị về đổi mới, tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng. Tỷ lệ tai nạn lao động trong thi công xây dựng tiếp tục giảm. Công tác giám định tư pháp được thực hiện nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng.

Công tác thanh tra xây dựng được tăng cường, số công trình vi phạm, sai phép, không phép giảm so với năm 2016. ¬Các thông tin năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng từng bước được thực hiện minh bạch, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền. Tiếp tục rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về giá xây dựng, thực hiện công bố chỉ số giá xây dựng trên phạm vi cả nước.

Công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và nông thôn ngày càng đi vào nề nếp. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tham gia ý kiến về đồ án quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị, thực hiện các đồ án chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, huy động vốn thực hiện các chương trình, dự án cấp quốc gia và cấp vùng về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật...

Cơ bản được kiểm soát thị trường BĐS

Dư nợ tín dụng BĐS ở trong ngưỡng an toàn. Cơ cấu tín dụng và tiêu chuẩn vay kinh doanh BĐS được kiểm soát chặt chẽ hơn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường BĐS, chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, ổn định.

Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, đề xuất chính sách huy động các nguồn lực cho công tác phát triển nhà ở, tháo gỡ khó khăn cho các chương trình hỗ trợ về nhà ở, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, tăng cường kiểm tra, giám sát đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung, quản lý hiệu quả quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ.

Đã trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, đang nghiên cứu, lập Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng và Quy hoạch VLXD chủ yếu. Kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng tro, xỉ thạch cao của các nhà máy nhiệt điện phân bón, hóa chất, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật đối với việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao. Đề xuất các phương hướng để phát triển bền vững, bổ sung giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến chính sách xuất khẩu, thuế, khoáng sản làm VLXD, lập Đề án nghiên cứu xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để tiến tới chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023. Kịp thời nắm bắt tình hình để khắc phục tình trạng khan hiếm và nâng giá cát xây dựng đột biến ở một số địa phương.

Đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa các DN trực thuộc

Hoạt động đầu tư, kinh doanh có khởi sắc. Tổng giá trị sản xuất kinh doanh của 15 DN thuộc Bộ Xây dựng ước đạt 104% kế hoạch năm, tăng 11,1% so với năm 2016.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc phương án tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc được Chính phủ phê duyệt (giai đoạn 2016-2020). Tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa 4 TCty, gồm: Sông Đà, HUD, IDICO và VICEM. Hoàn thành bán cổ phần lần đầu Sông Đà, IDICO; đang thực hiện xác định giá trị DN VICEM; báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch cổ phần hóa HUD sang năm 2018. Tiếp tục thực hiện quyết toán vốn nhà nước bàn giao sang Cty cổ phần đối với các Tổng Cty đã hoàn thành cổ phần hóa. Tập trung thoái vốn tại các DN theo kế hoạch.

Cơ cấu toàn diện đơn vị sự nghiệp

Tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm dần đầu mối, gắn kết hoạt động nghiên cứu với sản xuất kinh doanh, chủ động đổi mới quản lý kinh phí theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao đời sống cho người lao động.

Các đơn vị khối đào tạo tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo hướng tới đặt hàng. Các đơn vị thuộc khối y tế thực hiện chức năng quản lý, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành Xây dựng đều đạt và vượt kế hoạch. Các đơn vị thông tin, báo chí hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, thông tin kịp thời về các hoạt động của ngành Xây dựng, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử.

Có thể nói, Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, đạt được nhiều kết quả quan trọng nhờ công tác chỉ đạo, điều hành đổi mới, theo hướng tăng cường quán triệt và ban hành kịp thời các chương trình thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ một cách có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xử lý các vướng mắc cốt lõi từ thực tiễn.

Năm 2017, hoạt động xây dựng duy trì tăng trưởng khá cao với tốc độ 8,7% so với năm 2016, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, đứng thứ ba trong số các ngành đóng góp điểm phần trăm vào mức tăng GDP cả nước.

(Thanh Nga - Báo Xây dựng)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.280.781
Truy cập hiện tại 67 khách
Giải pháp: FITC   -   Thiết kế và kỹ thuật: Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông