Liên kết

 

Ngành Xây dựng sẵn sàng hội nhập kinh tế thế giới
Ngày cập nhật 19/01/2018

(Xây dựng) - Hoạt động KH&CN ngành Xây dựng trong thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nền khoa học công nghệ Việt Nam nói chung và sự nghiệp xây dựng và phát triển của Ngành nói riêng. Với sự tích cực học hỏi những tiến bộ mới nhất trong chuyên môn xây dựng kết hợp với nỗ lực sáng tạo và ứng dụng những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các DN xây dựng Việt Nam đã nắm bắt và làm chủ công nghệ tiên tiến, có khả năng cung cấp dịch vụ xây dựng tổng hợp với chất lượng cao, đặc biệt trong việc xây dựng những công trình nhà ở cao tầng.

Thực tế cho thấy, với sự phát triển kinh tế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành Xây dựng đã có những bước tiến vượt bậc cả về trình độ quản lý lẫn công nghệ kỹ thuật thi công và đã thành công trong việc thay thế nhà thầu ngoại trong vai trò tổng thầu ở nhiều dự án lớn có yêu cầu kỹ - mỹ thuật cao, những dự án "siêu sao" tại thị trường trong nước. Nhờ vậy, những Cty dẫn đầu đã nhanh chóng trưởng thành và nay đã sẵn sàng cho việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp ra thị trường nước ngoài.

Một lợi thế quan trọng nữa mà ngành Xây dựng có được chính là số lượng kỹ sư và chuyên gia cao gấp 3 lần mức bình quân thế giới bởi xây dựng là một ngành không được giới trẻ ở các nước phát triển ưa chuộng (Việt Nam bình quân có 9.000 kỹ sư, chuyên gia xây dựng/1 triệu dân; trong khi thế giới là 3.000).

Tuy nhiên, ngành Xây dựng Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Theo ông Lê Viết Hải - Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, bên cạnh những lợi thế trên thì tính cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam còn ở yếu tố nhân công, vật liệu xây dựng, dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án và nhiều dịch vụ liên quan khác… Để khắc phục những hạn chế này, các DN cần nỗ lực thực hiện và kêu gọi sự đồng hành của các đối tác và cả đối thủ cạnh tranh nhằm thực hiện chiến lược phát triển thị trường nước ngoài.

Vì việc cọ xát với thị trường nước ngoài là phương cách rất hữu hiệu nhằm nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh của ngành Xây dựng Việt Nam, đảm bảo luôn theo kịp trình độ thế giới và đây cũng là cách tốt nhất để về lâu dài bảo vệ được thị trường nội địa…

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DN ngành Xây dựng Việt Nam phát triển lớn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế, ông Hải cho rằng, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho các DN trong việc giải quyết mọi thủ tục nhanh chóng, thuận lợi nhất khi DN xây dựng đầu tư ra nước ngoài; có chính sách hỗ trợ DN ngành Xây dựng đổi mới công nghệ, kỹ thuật và phương thức quản lý; thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Chia sẻ những kinh nghiệm thành công của DN trong lĩnh vực thi công xây lắp, ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Cty Coteccons cho biết: Coteccons là DN thi công nhiều dự án lớn, đặc biệt là dự án nhà 81 tầng cao nhất Việt Nam. Coteccons đã thành công trong việc ứng dụng BIM vào trong thiết kế, thi công công trình. Trong quá trình thực hiện, Coteccons nhận thấy, thông thường, chủ đầu tư sẽ gặp nhiều trở ngại, nhiều chủ đầu tư có xu hướng chọn Cty thiết kế nước ngoài nhưng vì thường kiến trúc sư nước ngoài không hiểu hết đặc điểm tình hình trong nước nên trong nhiều trường hợp không tìm được tiếng nói chung. Nhờ áp dụng BIM, Coteccons đã tìm được giải pháp thiết kế tối ưu, giảm thiểu sai sót đến mức thấp nhất, ngoài ra còn tập trung cải tiến giải pháp thi công nhằm nâng cao chất lượng công trình. BIM đã giúp tiết kiệm được từ 10-15% tổng vốn đầu tư của dự án.

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư và chống thất thoát lãng phí. Theo ông Hùng, trong năm qua, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ để bổ sung, tăng cường cho công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho DN, tuy nhiên trong triển khai còn nhiều vấn đề, Luật chưa thể bao quát hết. Do vậy, Tổng hội kiến nghị Bộ tập trung tiếp tục cải thiện văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác quy hoạch cần tập trung hơn nữa lập quy hoạch phân khu, đặc biệt là quy hoạch chi tiết, từ đó công khai, minh bạch trong lập quy hoạch, làm tốt quy hoạch sẽ không cần phải cấp phép xây dựng, như TP.HCM, giảm được nhiều thủ tục phiền hà. Công tác quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, cần tăng cường quản lý, chấm dứt tình trạng phạt cho tồn tại.

Trong lĩnh vực quản lý nhà ở, nền kinh tế còn nghèo, nhu cầu nhà ở lớn, do đó cần có cơ chế, chính sách lâu dài và lộ trình thực hiện. Tổng hội đề nghị ban hành Nghị định Chính phủ về nhà cho thuê, Nghị định phát triển NƠXH theo hướng chuyển toàn bộ sang cơ chế thị trường làm nhà ở giá rẻ, không miễn giảm bất kỳ khoản kinh phí nào cho nhà đầu tư, tránh tình trạng 2 giá, cơ chế xin - cho.

Để đẩy mạnh công tác cải tạo chung cư cũ, cần đổi mới cơ chế chính sách, có giải pháp quyết liệt, phù hợp và đồng bộ. Nhà nước cần chủ động trong vấn đề này. Nhà nước lập dự án đồng bộ, dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách Nhà nước, tái định cư tại chỗ; bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng nhà ở theo công nghệ 4.0; phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp…

Theo: Linh Anh - Báo Xây dựng

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.280.781
Truy cập hiện tại 63 khách
Giải pháp: FITC   -   Thiết kế và kỹ thuật: Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông