Theo Quyết định, các trường hợp sau không được cấp phép xây dựng tạm, gồm:
- Khu đất tiếp giáp các trục đường Quốc lộ, các trục đường loại 1, 2, 3 trên địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà; các trục đường trung tâm có lộ giới ≥ 19,5m của các thị trấn thuộc huyện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Riêng đối với Quốc lộ 1A đoạn nằm ngoài phạm vi đô thị áp dụng theo quy định riêng.
- Phần diện tích đất từ chỉ giới đường đỏ đến chỉ giới xây dựng của các trục đường đã được đầu tư hoàn chỉnh theo lộ giới quy hoạch.
- Công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; công trình xây dựng trong các khu đất đã được cơ quan có thẩm quyền giao cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư theo quy hoạch, dự án đầu tư được duyệt.
Ngoài các trường hợp trên thì được cấp phép xây dựng tạm, nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Phù hợp với mục đích sử dụng đất, mục tiêu đầu tư nhưng không phù hợp với quy hoạch được duyệt của cấp có thẩm quyền và hiện tại chưa có quyết định thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch của cấp có thẩm quyền.
- Các công trình, nhà ở riêng lẻ có toàn bộ diện tích hoặc một phần diện tích nằm trong phạm vi quy hoạch lộ giới mở rộng của các tuyến đường, hẻm hiện hữu trong đô thị đã được phê duyệt và công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện theo quy hoạch.
- Phù hợp các quy định khác theo Điều 7 Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ về cấp phép xây dựng và đảm bảo các điều kiện tại Điều 4 quy định này.
Thời hạn tồn tại, bồi thường hay hỗ trợ công trình cấp phép xây dựng tạm
Theo Quyết định, các công trình được cấp giấy phép xây dựng tạm được tồn tại cho đến khi có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hết thời hạn tồn tại của công trình hoặc Nhà nước giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch thì Chủ đầu tư phải tự phá dỡ toàn bộ công trình được cấp giấy phép xây dựng tạm, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và Chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí cho việc thực hiện cưỡng chế.
Trường hợp xác định được chính xác thời điểm thực hiện quy hoạch thì ghi rõ thời gian tồn tại của công trình. Hết thời hạn cấp phép xây dựng tạm nếu Nhà nước chưa giải phóng mặt bằng thì công trình được phép tồn tại cho đến khi Nhà nước giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch, khi đó chủ đầu tư phải tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ và chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ công trình.
Công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng tạm không được bồi thường hay hỗ trợ.
Quyết định còn quy định chi tiết điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng đối với các loại công trình xây dựng và nhà ở riêng lẻ; Diện tích tối thiểu của khu đất xây dựng; Phân cấp và ủy quyền cấp phép xây dựng.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/9/2014 và bãi bỏ: Khoản 3, 4, 6 của Điều 3 và Điều 16 của Quyết định số 54/2010/QĐ-UBND ngày 20/12/2010; Quyết định số 39/2011/QĐ-UBND ngày 01/11/2011 của UBND tỉnh và các quy định trước đây của UBND tỉnh, UBND các cấp và địa phương về giấy phép xây dựng trái với Quy định này.
(Nguồn: www.thuathienhue.gov.vn)