Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc trực tuyến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Chiều 30/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc trực tuyến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Lê Văn Thành.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên Huế đã thực hiện phòng, chống dịch đạt được những kết quả tích cực cả về phòng và chống. Chống dịch tốt cho nên phát triển kinh tế -xã hội được, có quan hệ logic, thể hiện qua việc các chỉ số kinh tế, tăng trưởng, thu ngân sách cao...
Thủ tướng hoan nghênh Thừa Thiên Huế đang chi viện khoảng 500 y bác sĩ cho các tỉnh miền nam trong phòng, chống dịch, là nghĩa cử cao đẹp, tinh thần trách nhiệm cao, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Tỉnh có truyền thống văn hóa cả trong nhận thức và hành động; truyền thống đoàn kết trong Đảng bộ, nhân dân đều cao. Thừa Thiên Huế cũng là một trong những tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin tương đối hiệu quả...
Thủ tướng cũng chia sẻ về những đặc điểm của Thừa Thiên Huế, theo đó, Huế là di sản và di tích văn hóa, là đặc trưng rất hiếm các tỉnh nào có được. Di tích lịch sử văn hóa của Huế là đặc trưng, đặc thù, là Cố đô. Do đó phải biến những đặc trưng này thành nguồn lực phát triển. Thừa Thiên Huế cũng nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm miền trung; tất cả các loại hình giao thông như đường bộ, đường không, đường sắt, đường biển đều đi qua Huế, là một lợi thế rất lớn.
Thủ tướng đề nghị tỉnh thực hiện ngay công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch; đây vừa là mục tiêu, yêu cầu, vừa là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Làm tốt công tác quy hoạch thì mới tìm ra lợi thế cạnh tranh, để phát triển không bị trùng lặp, phối hợp cái gì là đặc thù thì khai thác kỹ, cái gì trùng lặp thì phải phối hợp Đà Nẵng và Quảng Trị. Tìm ra thuận lợi và cơ hội của Huế so 2 tỉnh lân cận để đi lên. Cái đặc thù phải khai thác thật sâu. Văn hóa của Huế khác hẳn, đều có Di sản văn hóa vật thể và cả phi vật thể.
Qua công tác quy hoạch, tỉnh chỉ ra được những khó khăn, thách thức để khắc phục, tái cấu trúc lại kinh tế theo hướng bền vững, chiều sâu, phát huy tối đa thế mạnh. Đó là chú trọng phát triển các lĩnh vực: dịch vụ, thương mại; phải xây dựng nền kinh tế tri thức; kinh tế xanh, dựa trên tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; công nghiệp văn hóa.
Tỉnh cần bám sát Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường tự lực, tự cường, lấy nội lực là cơ bản, lâu dài, quyết định, chiến lược; ngoại lực là đột phá. Tỉnh phải đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển.
Phải có vốn, cách quản lý, quản trị, do đó phải học hỏi. Nội lực là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa. Phải có cách khai thác hiệu quả; "biến không thành có, không thể thành có thể". Xây dựng thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng. Rà soát các luật lệ, nghị định, thông tư mà T.Ư ban hành. Cái gì vướng, cái thực tiễn mà luật chưa quy định, cái có rồi mà thực tiễn không phù hợp thì cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung. Phải đào tạo nguồn nhân lực theo hướng xanh, phát triển xanh, phát triển tri thức theo hướng công nghiệp văn hóa, giải trí.
Tỉnh cần chú trọng phát triển hạ tầng, tập trung "hạ tầng mềm", hạ tầng chuyển đổi số, thương mại điện tử, hạ tầng để quản lý, quản trị bằng công nghệ thông tin; tăng cường cải cách hành chính dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, càng giảm tiếp xúc trực tiếp càng tốt, đỡ việc đi lại tốn kém, mất thời gian, để người dân đỡ phiền toái. Hình thành những trung tâm hành chính công. Tăng cường hợp tác công tư để hài hòa, chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của đảng viên, thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII; tăng cường đoàn kết, nhất trí; xây dựng bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường hợp tác công tư để giảm chi phí; xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu.
Quá trình phục hồi kinh tế, tỉnh không được chủ quan vì biến chủng Delta nguy hiểm. Những vấn đề này khó dự báo, có thể diễn ra bất cứ lúc nào, nhưng biết cách phòng bệnh thì không bị nhiễm bệnh. Phòng dịch là cơ bản, chiến lược, quyết định. Chống dịch phải quyết liệt, kịp thời, hiệu quả. Chúng ta đã chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Có ổ dịch ở đâu thì dập dịch nhanh nhất, sớm nhất có thể, khoanh nhỏ nhất có thể. Không thể có một xã có dịch lại khoanh cả tỉnh. Chúng ta cần tạo ra nguồn lực, tạo niềm tin để đi lên. Các bộ, ngành tăng cường phối hợp chặt chẽ với Thừa Thiên Huế để thực hiện tốt việc này.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến về một số đề xuất, kiến nghị của Thừa Thiên Huế.
Theo THANH GIANG - MAI HUYÊN/Báo Nhân Dân điện tử