Liên kết

 

Lấy ý kiến về đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045
Ngày cập nhật 23/03/2023

(Xây dựng) - Chiều 22/3, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các địa phương về đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.


Ông Hoàng Hải Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phát biểu tại hội nghị.

Tham gia hội nghị có các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế; Phòng Quản lý đô thị thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà; Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Hải Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh: Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình lập, hoàn thiện đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế. Do đó, yêu cầu các đơn vị, đồng chí phát huy vai trò trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ để tham gia đóng góp ý tưởng, rà soát nội dung triển khai tại địa phương để tham gia xây dựng hoàn thiện công tác lập quy hoạch.

Hội nghị cũng đưa ra 6 nhóm nội dung để đại biểu cần tập trung lưu ý, quan tâm trong quá trình thảo luận, tham gia ý kiến như: Định vị, tầm nhìn phát triển cho đô thị Thừa Thiên - Huế trong tương lai; dự báo phát triển kinh tế - xã hội, quy mô dân số, mật độ dân số các khu vực đô thị và nông thôn; quy mô đất xây dựng đô thị và nông thôn; mô hình, cấu trúc, định hướng phát triển không gian gồm đô thị trung tâm, các đô thị khác và vùng nông thôn; định hướng quy hoạch hạ tầng kinh tế (bao gồm các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ thương mại, vùng sản xuất...); định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khung toàn đô thị và khu vực đô thị trung tâm (mạng lưới đường giao thông, sân bay, cảng biển, ga đường sắt, hệ thống giao thông công cộng, cấp nước, cấp điện, thoát nước thải, nghĩa trang...); định hướng quy hoạch hạ tầng xã hội toàn đô thị và khu vực đô thị trung tâm (bao gồm y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, công sở, nhà ở…).

Tại hội nghị, đơn vị tư vấn đã báo cáo nội dung đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế. Theo đó, khu vực cửa ngõ phía Bắc kết nối với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong. Khu vực này phát triển đô thị, hỗn hợp sản xuất nông, lâm, thủy, hải sản, công nghiệp, dịch vụ phía Tây Bắc của Thừa Thiên - Huế.

Phân vùng đô thị trung tâm là đô thị lớn, hạt nhân có vai trò động lực của Thừa Thiên - Huế; trung tâm văn hóa, trung tâm du lịch cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ cấp quốc gia. Đầu mối giao thông quan trọng với đủ các loại hình giao thông vận tải; giữ vai trò liên kết tới các khu vực và liên kết quốc gia và quốc tế.

Phân vùng đô thị phía Nam, khu vực cửa ngõ phía Đông Nam kết nối đi Đà Nẵng - Quảng Nam. Khu vực này phát triển đô thị, hỗn hợp sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, dịch vụ, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Vệ tinh về sản xuất hàng hóa, công nghiệp công nghệ cao, du lịch biển, được phân công chức năng nhằm liên hoàn với đô thị trung tâm

Khu vực cửa ngõ phía Tây, phát triển đô thị sinh thái, du lịch, kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp. Hình thành ở đây các ngành khai thác phát triển dựa theo vùng nguyên liệu liên biên giới, phát triển công nghiệp gỗ, chế biến lâm sản, kinh tế sinh thái gắn với hoạt động du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc

Định hướng phát triển không gian quận Bắc sông Hương, phạm vi hành chính gồm các phường phía Bắc sông Hương và nhập xã Hương Thọ và phường Hương Hồ thành phường Hương Hồ trở thành Đô thị trung tâm thành phố trực thuộc Trung ương, di sản văn hóa thế giới, du lịch, Festival cấp quốc gia và mang tầm quốc tế của Thành phố Thừa Thiên - Huế.

Phát triển đạt tiêu chí đô thị loại I, lấy Kinh thành Huế làm điểm nhấn, khu vực Phố cổ Bảo Vinh, làng nghề truyền thống Kim Long, cùng các khu vực di tích lịch sử như khu lăng mộ được bảo tồn trên nguyên tắc tuân thủ theo luật pháp, quy hoạch và chỉ đạo của các cấp chính quyền, mở rộng chức năng du lịch và nâng cao giá trị lịch sử văn hóa thông qua các dự án trùng tu và khôi phục các di tích lịch sử.

Định hướng phát triển không gian quận Nam sông Hương, phạm vi hành chính gồm các phường phía Nam sông Hương và nhập xã Hải Dương và phường Thuận An thành phường Thuận An; Thành lập phường Phú Dương trên cơ sở địa giới hành chính xã Phú Thanh, Phú Mậu, Phú Dương; thành lập phường Thủy Bằng trên cơ sở địa giới hành chính xã Thủy Bằng; thành lập phường Hương Phong trên cơ sở địa giới hành chính xã Hương Phong. Trung tâm hành chính chính trị thành phố trực thuộc Trung ương, di sản văn hóa thế giới, du lịch, Festival cấp quốc gia và mang tầm quốc tế của Thành phố Thừa Thiên - Huế. Định hướng phát triển đạt tiêu chí đô thị loại I, khu vực còn lưu giữ các công trình kiến trúc Pháp, di tích Đàn Nam Giao, hệ thống lăng tẩm, lăng Dục Đức, nhà thờ Phủ Cam, làng nghề truyền thống, các ngôi nhà truyền thống…


Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến các địa phương cấp huyện, cấp xã về Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Thành lập quận Hương Thủy gồm 7 phường và nhập xã Phú Sơn vào phường Phú Bài; Nhập xã Thủy Tân vào phường Thủy Lương; thành lập phường Thủy Thanh trên cơ sở địa giới hành chính xã Thủy Thanh; thành lập phường Thủy Phù trên cơ sở địa giới hành chính xã Thủy Phù.

Quận Hương Thủy phát triển trên cơ sở sân bay quốc tế Phú Bài gắn với dịch vụ, vận tải, logistics; công nghiệp Phú Bài, tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp công nghệ cao cùng một số trung tâm chuyên ngành về y tế, giáo dục đào tạo, dịch vụ thương mại… Khuyến khích phát triển theo mô hình tổ hợp đô thị - dịch vụ tổng hợp - logistic - công nghiệp… Hình thành du lịch sinh thái thể thao, nghỉ dưỡng, tâm linh trên núi tại đồi Thiên An...

Phát triển không gian quận Hương Trà gồm 10 phường; chuyển xã Dương Hòa từ quận Hương Thủy sang quận Hương Trà và thành lập phường Dương Hòa. Thành lập phường Hương Toàn trên cơ sở địa giới hành chính xã Hương Toàn. Thành lập phường Hương Bình trên cơ sở địa giới hành chính xã Hương Bình. Thành lập phường Bình Tiến trên cơ sở địa giới hành chính xã Bình Tiến. Thành lập phường Bình Thành trên cơ sở địa giới hành chính xã Bình Thành.

Phát triển khu vực mở rộng phía Bắc của nội đô lịch sử thành phố Thừa Thiên - Huế, phát triển trên cơ sở dân cư đô thị, Khu công nghiệp Tứ Hạ, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông, lâm nghiệp…

Phát triển không gian đô thị Phong Điền đạt các tiêu chí thành lập thị xã trước năm 2030, đạt các tiêu chí đô thị loại IV. Phát triển mở rộng đô thị khu vực thị trấn Phong Điền hiện hữu và đô thị Phong An, trở thành trung tâm hạt nhân của thị xã Phong Điền. Phạm vi hành chính được thành lập trên cơ sở địa giới hành chính của huyện Phong Điền với 6 phường và 6 xã.

Tại hội nghị, Ban tổ chức phát phiếu tham gia ý kiến, góp ý trực tiếp và gửi về Ban tổ chức cuối buổi họp để tiếp tục tổng hợp ý kiến tham gia về Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo Trí Đức/Báo Xây dựng

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.280.781
Truy cập hiện tại 322 khách
Giải pháp: FITC   -   Thiết kế và kỹ thuật: Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông