Liên kết

 

Nỗ lực cho phát triển đô thị tăng trưởng xanh
Ngày cập nhật 07/02/2018

(Xây dựng) - Những ngày đầu năm 2018, với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030” và Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 01/2018/TT- BXD quy định chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh…, lĩnh vực phát triển đô thị (PTĐT) đã có một sự khởi đầu khả quan. Đặc biệt hơn nữa, theo kế hoạch, trong năm 2018 sẽ còn có thêm những văn bản pháp quy quan trọng trong lĩnh vực PTĐT tiếp tục được ban hành.

Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển đô thị tăng trưởng xanh

Ngày 19/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 84/QĐ-TTg về việc ban hành “Kế hoạch PTĐT tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030” (Kế hoạch).

Kế hoạch đã cụ thể hóa 5 nhóm giải pháp có tính chiến lược về đô thị hóa bền vững đã được xác định tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) và bổ sung Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014 - 2020 về các hoạt động ưu tiên đối với các đô thị trong giai đoạn hiện nay đến năm 2030.

Với danh mục gồm 3 chủ đề và 14 nhiệm vụ hành động ưu tiên, Kế hoạch cũng đã xác định các nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên và lộ trình thực hiện, thúc đẩy PTĐT theo định hướng TTX nhằm định hướng thu hút các nguồn lực, thí điểm lựa chọn đầu tư xây dựng đô thị TTX tại một số đô thị cụ thể.

Kế hoạch tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu PTĐT TTX, xác định các nội dung ưu tiên sử dụng ngân sách và các nhiệm vụ khuyến khích vận động thu hút hỗ trợ quốc tế hoặc khuyến khích đầu tư của xã hội. Kế hoạch đồng thời nâng cao vai trò của cộng đồng DN trong việc thực hiện các mục tiêu PTĐT TTX; phát huy hiệu quả sự tham gia của các cấp chính quyền, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác xây dựng đô thị TTX.

25 chỉ tiêu cho xây dựng đô thị TTX

Trước đó, ngày 05/01/2018, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 01/2018/TT-BXD quy định chỉ tiêu xây dựng đô thị TTX. Thông tư gồm 11 điều, quy định về các chỉ tiêu xây dựng đô thị TTX và hướng dẫn lập báo cáo xây dựng đô thị TTX theo các chỉ tiêu đối với các đô thị loại I trực thuộc tỉnh, loại II, loại III và loại IV và khuyến khích áp dụng đối với đô thị loại V. Thông tư đề cập 25 chỉ tiêu cho xây dựng đô thị TTX, gồm 4 nhóm, bao gồm nhóm kinh tế, nhóm môi trường, nhóm xã hội và nhóm thể chế. Trong đó, có 5 chỉ tiêu thuộc nhóm kinh tế, 10 chỉ tiêu thuộc nhóm môi trường, 5 chỉ tiêu thuộc nhóm xã hội và 5 chỉ tiêu thuộc nhóm thể chế. Mỗi chỉ tiêu được quy định cụ thể về khái niệm, phương pháp tính, kỳ công bố, cơ quan chịu trách nhiệm.

Các chỉ tiêu xây dựng đô thị TTX được áp dụng để xây dựng các báo cáo, bao gồm báo cáo xây dựng đô thị TTX năm cơ sở; báo cáo xây dựng đô thị TTX năm đánh giá; báo cáo xây dựng đô thị TTX cho giai đoạn (cùng kỳ với giai đoạn của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương). Báo cáo hàng năm chỉ áp dụng 18 chỉ tiêu có khả năng theo dõi thường xuyên, liên tục. Các báo cáo năm cơ sở và báo cáo theo giai đoạn đánh giá toàn bộ 25 chỉ tiêu.

Căn cứ kết quả của báo cáo, các địa phương sẽ có cơ sở để đề xuất các hoạt động ưu tiên; đánh giá thẩm định các kế hoạch, chương trình, dự án; đề xuất rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch đô thị, chương trình PTĐT; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Thông tư cũng hướng dẫn các hoạt động ưu tiên xây dựng đô thị TTX bao gồm 8 nhóm hoạt động, làm cơ sở định hướng cho các đô thị trong việc thúc đẩy xây dựng đô thị TTX cũng như thu hút, kêu gọi các nguồn lực đầu tư cho các đô thị.

Hoàn thiện, trình ban hành Luật Quản lý PTĐT

Một điểm nhấn quan trọng nữa trong lĩnh vực PTĐT khác đang được Bộ Xây dựng tập trung cao độ là hoàn thiện dự thảo và trình ban hành Luật Quản lý PTĐT. Dự thảo Luật gồm 7 chương, 64 điều, với 6 chính sách quan trọng làm cơ sở. Chính sách thứ nhất là PTĐT theo định hướng, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch.

Chính sách 2, phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, trong đó bao gồm cả phát triển hạ tầng đô thị tại đô thị hiện hữu và tại đô thị mới. Chính sách này cũng quy định việc quản lý xây dựng các hệ thống hạ tầng đô thị; quản lý không gian ngầm, xây dựng công trình ngầm; sử dụng và khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; giá dịch vụ sử dụng hạ tầng đô thị…

Chính sách 3, quy định quản lý đầu tư PTĐT theo khu vực PTĐT; dự án đầu tư đầu tư xây dựng KĐTM và dự án cải tạo, tái thiết KĐT.

Chính sách 4, PTĐT ứng ứng phó biến đổi khi hậu (BĐKH), TTX, thông minh. Theo đó, dự thảo luật sẽ đề cập đến các cơ chế ưu đãi, khuyến khích PTĐT thích ứng với BĐKH và quy định xây dựng tiêu chí, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và quản lý đô thị thích ứng BĐKH, TTX, thông minh.

Chính sách 5, đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho PTĐT. Theo đó, dự thảo luật quy định các nguyên tắc huy động, sử dụng nguồn lực tài chính và hướng dẫn một số phương thức và hình thức như thu thuế và tiền sử dụng đất; khai thác quỹ đất đô thị; khai thác, sử dụng dịch vụ hạ tầng kỹ thuật; huy động đầu tư theo hình thức đối tác công tư; quỹ đầu tư PTĐT…

Chính sách 6, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về PTĐT. Luật Quản lý PTĐT sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các cấp trong thực hiện quản lý PTĐT, quy định nguyên tắc về phương thức, quy trình tham gia của cộng đồng và các bên liên quan trong quản lý PTĐT…

Theo lộ trình, dự thảo Luật sẽ trình Chính phủ vào tháng 3/2018; trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 4/2018 và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2018.

Theo: Hòa Bình - Báo Xây dựng

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Quay lại12345Xem tiếp
Tìm kiếm tin tức
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.266.453
Truy cập hiện tại 317 khách
Giải pháp: FITC   -   Thiết kế và kỹ thuật: Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông