Tìm nguồn nguyên liệu làm vật liệu xây dựng thay thế cát lòng sông trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế nhằm tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản cát sỏi, bến bãi tập kết cát sỏi trái phép và tìm giải pháp đảm bảo nguồn cung về cát, hoặc sản phẩm thay thế cát. UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng khẩn trương rà soát, nghiên cứu nguồn nguyên vật liệu thay thế đối với cát làm vật liệu xây dựng thông thường.
Năm qua, tỉnh cũng đã có đề tài “Nghiên cứu, tìm nguồn nguyên liệu làm vật liệu xây dựng thay thế cát lòng sông trên địa bàn tỉnh”. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có tiềm năng đá xây dựng lớn gồm các khối granit Khe Băng, Bến Tuần, núi Vôi, Hải Vân với tài nguyên dự báo cấp 334 - 779 triệu m3. Trong khi nhu cầu đá xây dựng của tỉnh đến năm 2020 khoảng 2,25-2,3 triệu m3/năm. Nếu so sánh giữa trữ lượng tiềm năng và nhu cầu đá xây dựng còn thừa khối lượng rất lớn có thể được sử dụng để sản xuất cát nghiền. Về lâu dài có thể thay thế hoàn toàn cát lòng sông để phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Khối lượng cát nội đồng, ven đầm phá Tam Giang có trữ lượng cát mịn rất lớn nhưng chưa được sử dụng rộng rãi trong xây dựng. Chỉ một số hộ dân khu vực ven biển ở huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền sử dụng làm bê tông.
Lượng đá mi bụi trong quá trình nghiền sàng sản xuất đá dăm để lại tương đối nhiều, chiếm từ 10-20%. Lượng đá mi được đem tuyển lựa, khống chế các hàm nghiền để lượng mạt đá có cấp phối tốt, có thể chúng như cát nghiền để thi công.
Xây dựng các hồ thủy điện sẽ có một lượng cát tích tụ trong lòng hồ. Trên địa bàn, trữ lượng cát tại các lòng hồ chưa có số liệu cụ thể và rất có tiềm năng khai thác. Tuy nhiên, việc khai thác cát lòng hồ thủy điện phải có phương án, quy trình, quy phạm khai thác thống nhất giữa chủ khai thác và cơ quan quản lý hồ thủy điện để việc khai thác cát không ảnh hưởng đến vận hành nhà máy thủy điện.
Ông Nguyễn Đại Viên - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế đề xuất cần yêu cầu các đơn vị thiết kế, chủ đầu tư không sử dụng cát vào việc san lấp mặt bằng, đắp nền đường (trừ một số trường hợp bắt buộc phải xử lý nền đường bằng cát) cho các dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến để người dân hạn chế sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu san lấp mặt bằng, san nền. Nâng cao năng lực và vai trò trách nhiệm của đơn vị được cấp giấy phép và chính quyền địa phương chịu trách nhiệm đầu tiên về quản lý khai thác cát.
Trước mắt, đề nghị UBND các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc tổ chức rà soát các mỏ cát nội đồng trên địa bàn quản lý, nghiên cứu phương án sử dụng để thay thế một phần cát tự nhiên làm vật liệu xây dựng thông thường.
Về lâu dài, kiến nghị sử dụng cát nghiền làm vật liệu thay thế cát xây dựng. Lộ trình cụ thể từ nay đến quý II/2019 hoàn thiện lựa chọn phương án sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên, xây dựng kế hoạch thay thế vật liệu cát xây dựng bằng các loại vật liệu khác.
Quý II/2019 đến quý III/2020 ban hành các chính sách kêu gọi hỗ trợ, kêu gọi đầu tư, phấn đấu xây dựng 1 cơ sở sản xuất cát nghiền và triển khai áp dụng thí điểm tại các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn.
Quý IV/2021 sẽ tiến hành đánh giá, nhân rộng mô hình kêu gọi đầu tư để sử dụng cát nghiền làm vật liệu thay thế cát tự nhiên trên địa bàn toàn tỉnh để chế tạo bê tông và vữa xây dựng.
Theo Trí Đức/Báo Xây dựng