Liên kết

 

Hương Thủy trong bước chuyển mình thành thị xã
Ngày cập nhật 27/01/2010
Huyện Hương Thủy phát huy hiệu quả của Khu công nghiệp Phú Bài

      Theo dòng thời gian, mảnh đất Hương Thủy đã trải qua nhiều giai đoạn tách, nhập địa giới hành chính mang dấu ấn lịch sử gắn với quá trình cùng cả nước đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm, xây dựng và phát triển quê hương đất nước. Từ cuối năm 1989, huyện Hương Thủy được tách từ huyện Hương Phú và ổn định cho đến ngày nay. Với diện tích 45.818 ha, bao gồm 11 xã và một thị trấn.

 

 

Huyện Hương Thủy có vị trí địa lý khá thuận lợi, phía Bắc giáp thành phố Huế, cách Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô 30 km về phía Đông- Nam, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Quốc lộ 1 A và tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc xuyên suốt qua chiều dài của huyện; có sân bay quốc tế Phú Bài, Khu công nghiệp tập trung của tỉnh và nhiều di tích văn hóa lịch sử, nhiều điểm du lịch sinh thái khá phong phú; vùng bán sơn địa rộng lớn và tương đối bằng phẳng. Đó là những lợi thế cơ bản để huyện phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ với quy mô lớn, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị theo mục tiêu phát triển của Huyện và định hướng chiến lược của Tỉnh.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, trong thời gian qua được sự quan tâm lãnh đạo, đầu tư của TW, của Tỉnh, sự giúp đỡ của các Sở, ban ngành, Đảng bộ và nhân dân huyện Hương Thủy đã đoàn kết khắc phục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tập trung huy động các nguồn lực, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, từng bước xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, đưa lại nhiều thành quả quan trọng, tạo chuyển biến cơ bản về chuyển dịch nền kinh tế địa phương từ một huyện nông nghiệp sang phát triển công nghiệp và dịch vụ, được thể hiện rõ nét qua tỷ trọng thay đổi hàng năm của các ngành kinh tế. Năm 2006, Tổng sản phẩm trên địa bàn là 625,8 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), tăng 18% so với năm 2005, trong đó: tỷ trọng Nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 11,65%, Công nghiệp xây dựng 70,66%, Dịch vụ 17,69%; đến năm 2009, Tổng sản phẩm đạt 1.000,5 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2006-2009 là 17,15% và tỷ trọng các ngành đến nay là Dịch vụ 16,76%, Công nghiệp - xây dựng 74,47%, Nông - lâm - ngư nghiệp 8,77%.

Nhờ đó, đã góp phần tạo nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Kinh tế - Xã hội phát triển, làm thay đổi diện mạo của huyện, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hệ thống điện, nước.

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, các vấn đề đời sống xã hội cũng không ngừng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,5 triệu đồng/người/năm (năm 2006 là 12,44triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt xấu xỉ 100%, hộ dùng nước hợp vệ sinh 96%.

Đã xóa xong nhà tạm cho hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo còn 3,66%; lĩnh vực giáo dục, y tế được tăng cường cả về cơ sở vật chất và chất lượng hoạt động.

Với những thành quả đạt được nêu trên, thị trấn Phú Bài - trung tâm huyện lỵ của Huyện đã được quy hoạch mở rộng và được Bộ Xây dựng quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, đây là cơ sở để tiến hành lập Đề án xây dựng thị xã Hương Thủy thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết 14-NQ/TU ngày 20/10/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết 13g/2009/NQ-HĐND ngày 10/12/2009 của HĐND tỉnh.

Theo Đề án thành lập thị xã Hương Thủy của UBND tỉnh trình và được HĐND tỉnh thông qua để trình Chính phủ xem xét quyết định, Thị xã Hương Thủy được thành lập trên cơ sở chuyển toàn bộ huyện Hương Thủy thành Thị xã Hương Thủy với 05 phường nội thị và 07 xã, đó là: các phường Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu, thị trấn Phú Bài và Thủy Lương; các xã Thủy Bằng, Thủy Vân, Thủy Tân, Thủy Thanh, Thủy Phù, Phú Sơn, Dương Hòa (trong đó: 5 phường được thành lập trên cơ sở chuyển nguyên trạng từ các xã Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu, thị trấn Phú Bài và Thủy Lương).

Định hướng xây dựng thị xã Hương Thủy từ nay đến năm 2015 là:

- Tập trung xây dựng và quy hoạch phát triển không gian đô thị, đặc biệt là Khu trung tâm, Khu hành chính tập trung và các Khu kinh tế thị xã Hương Thủy.

- Đẩy mạnh phát triển KT-XH theo hướng cơ cấu kinh tế Dịch vụ - Công nghiệp, TTCN - Nông nghiệp. Tập trung phát triển thương mại dịch vụ và du lịch, đến năm 2015 tỷ trọng của ngành chiếm 18,8% trong tổng sản phẩm xã hội theo hướng trở thành ngành kinh tế mủi nhọn, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương. Phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân hàng năm 18-19%, đến năm 2015 tỷ trọng giá trị của ngành chiếm 74,3% tổng giá trị sản phẩm xã hội, trên cơ sở phối hợp với các ngành chức năng của Tỉnh để thu hút đầu tư, lập đầy và phát huy hiệu quả của Khu công nghiệp Phú Bài, các cụm CN, TTCN và làng nghề của huyện và đầu tư xây dựng các dự án quan trọng về phát triển đô thị, nhất là kết cấu hạ tầng vùng nội thị. Thực hiện mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị...

- Đồng thời với phát triển kinh tế, coi trọng đầu tư phát triển và thực hiện tốt lĩnh vực VH-XH nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị - TTXH trên địa bàn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường cũng cố và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Trong bước đường phấn đấu xây dựng huyện thành thị xã đến nay đã gần đến đích, Hương Thủy có nhiều lợi thế cơ bản cả về lợi thế so sánh của địa phương, cũng như sự giúp đỡ tận tình của các cấp, các ngành. Đặc biệt sau khi có Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ chính trị về xây dựng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hình thành các đô thị vệ tinh cho thành phố Huế, trong đó ưu tiên đưa huyện Hương Thủy thành thị xã để góp phần sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới theo chủ trương của Bộ Chính trị.

Tuy vậy, những khó khăn trước mắt cũng rất lớn: quy hoạch chưa được hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu tính thống nhất giữa quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành, tiêu chí kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đô thị còn thấp, nhiều tiềm năng thế mạnh chưa đủ sức đầu tư khai thác như: Du lịch, dịch vụ công nghệ cao, trong sản xuất công nghiệp, TTCN chưa có sản phẩm công nghiệp mủi nhọn có sức cạnh tranh cao; nguồn lao động có đào tạo còn thiếu; công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế... Trên cơ sở thành quả đạt được về xây dựng và phát triển của huyện Hương Thủy trong thời gian qua và mục tiêu trong thời gian tới. Đảng bộ, và nhân dân huyện Hương Thủy quyết tâm phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức, khắc phục những hạn chế tồn tại, nhất là công tác quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng,.. đồng thời chuẩn bị tốt mọi mặt để  xây dựng huyện sớm trở thành một đô thi văn minh hiện đại.

Theo www.thuathienhue.gov.vn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Quay lại12345Xem tiếp
Tìm kiếm tin tức
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.266.453
Truy cập hiện tại 105 khách
Giải pháp: FITC   -   Thiết kế và kỹ thuật: Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông